Mọi người cho rằng đổ mồ hôi là biểu hiện cơ thể đang được thải độc, mồ hôi ra nhiều đồng nghĩa với việc chất độc trong cơ thể đào thải nhiều hơn, có thể giúp cơ thể khỏe mạnh.
Tuy nhiên, đổ mồ hôi thực chất chỉ là một trong những phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể, việc bài tiết mồ hôi qua các tuyến mồ hôi có thể giúp cân bằng nhiệt độ của cơ thể. Ví dụ, trong quá trình vận động hàng ngày hoặc khi thời tiết quá nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên, để giữ cho nhiệt độ ổn định, cơ thể sẽ hạ nhiệt bằng cách đổ mồ hôi.
Quan niệm đổ nhiều mồ hôi tức cơ thể đang tăng cường thải độc là không có cơ sở. Bởi vì, cơ quan thải độc chính của cơ thể là gan và thận, đa phần các chất độc, chất thải sẽ được bài tiết ra bên ngoài qua nước tiểu. Mồ hôi của bạn có khoảng 98% là nước và 2% còn lại gồm muối, protein, carbohydrate và urê, không chứa độc tố mà cơ thể thải ra ngoài.
Lượng mồ hôi ra nhiều hay ít chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố như trọng lượng cơ thể, giới tính, di truyền, môi trường nhiệt độ xung quanh, tình trạng vận động của cơ thể. Nếu chỉ dựa vào yếu tố đổ mồ hôi nhiều hay ít thì không thể đánh giá chính xác sức khỏe của con người.
Nhưng khi cơ thể đột nhiên đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm đi kèm các triệu chứng như sụt cân, rụng tóc, tay chân run rẩy thì rất có thể cơ thể đang gửi tới bạn lời kêu cứu liên quan tới các bệnh như tiểu đường, cường giáp.
Khi bị đổ mồ hôi quá nhiều bạn nên bổ sung nước kịp thời cho cơ thể, chú ý uống từng ngụm nhỏ và từ từ, không nên uống nhiều nước một lúc.