1. Không rửa tay khi nấu ăn
Rửa tay đúng cách với xà phòng là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại gia đình. Trong quá trình nấu nướng, bạn cần rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thực hiện các hành động khác như chạm vào điện thoại, lau dọn bàn bếp, đưa tay lên mặt…
2. Dùng chung thớt cho tất cả thực phẩm
Việc sử dụng chung dao, thớt cho đồ sống và thực phẩm chín có thể khiến mầm bệnh lây nhiễm chéo sang thức ăn, gây ngộ độc thực phẩm. Mỗi gia đình nên có ít nhất 1 chiếc thớt cho thịt cá tươi sống và 1 chiếc khác cho thực phẩm chín, rau củ quả.
3. Bảo quản đồ sống ở phía trên rau củ quả
Khi sắp xếp đồ trong tủ lạnh, bạn không nên đặt thực phẩm tươi sống (thịt, thủy hải sản) ở ngăn phía trên rau củ quả. Nguyên nhân là thịt cá có thể nhỏ nước mang theo mầm bệnh xuống rau sống, trái cây tươi. Hãy bảo quản đồ tươi sống ở ngăn dưới thấp, đừng quên lót thêm khay, hộp để đề phòng hiện tượng trên.
4. Rửa thịt trong bồn rửa bát
Thói quen rửa thịt dưới vòi nước chảy hoặc trong bồn rửa bát không giúp bạn loại bỏ bớt vi khuẩn trên thịt. Trái lại, nước có thể mang theo mầm bệnh, bắn ra bàn bếp và bồn rửa. Bạn nên vệ sinh thịt trong các dụng cụ riêng làm bằng chất liệu inox, thủy tinh và đừng quên rửa sạch chúng sau khi dùng.
5. Rã đông thịt ở nhiệt độ phòng
Những vi sinh vật có trong thịt lợn, thịt gà… đông lạnh có thể sinh sôi nhanh chóng ở nhiệt độ phòng. Phương pháp rã đông an toàn là chuyển thực phẩm xuống ngăn mát tủ lạnh, thời gian rã đông khoảng 8-24 giờ tùy thuộc vào khối lượng của thực phẩm.
6. Không thay miếng rửa bát
Nếu không được thay rửa và vệ sinh thường xuyên, miếng rửa bát có thể trở thành vật trung gian lây truyền vi khuẩn đến mọi bề mặt, dụng cụ trong nhà bếp. Bạn có thể vệ sinh miếng bọt biển, giẻ rửa bát bằng cách luộc trong nước nóng hàng ngày; Đồng thời thay giẻ rửa bát mỗi tháng 1 lần.