Sau khi số ca mắc đậu mùa khỉ gia tăng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng trên phạm vi toàn cầu. Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO liên quan tới sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. Tại Việt Nam, đến ngày 24-7, chưa ghi nhận trường hợp mắc, tuy nhiên theo các chuyên gia, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.
Tại cuộc họp khẩn bàn phương án ứng phó với dịch đậu mùa khỉ đang gây ra 16 nghìn ca bệnh trên thế giới diễn ra chiều ngày 24-7 do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định bệnh đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Bên cạnh đó, hiện nay thế giới chưa có thuốc đặc hiệu, vaccine đặc biệt cho bệnh. Việt Nam cũng không còn dự trữ vaccine đậu mùa. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng…
Từ cuối tháng 5, Sở Y tế đã có công văn gửi các đơn vị trong ngành và các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường triển khai giám sát, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương, các cơ sở giáo dục và cơ quan liên quan tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy do vi rút Rota, viêm não, sởi, đậu mùa khỉ và các dịch bệnh mùa hè khác. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên địa bàn, song song với giám sát dịch COVID-19, đặc biệt lưu ý ổ dịch cũ, các cơ sở, địa bàn tập trung đông dân cư và có nguy cơ cao; giám sát chặt chẽ phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới và có nguy cơ lây nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, phương tiện xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng tại cộng đồng, khu dân cư. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình và cộng đồng để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống. Triển khai công tác tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho người dân trên địa bàn song vẫn phải bảo đảm đúng các quy định trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
Đối với các đơn vị khám, chữa bệnh, tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm; củng cố hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất diễn biến nặng và tử vong ở người do dịch bệnh. Khi có các ca bệnh truyền nhiễm phải thông báo cho các đơn vị y tế dự phòng cùng cấp để phối hợp điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tổ chức tốt việc thu dung, khám, phân loại và điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.