Nhiều nghiên cứu cho thấy mầm bệnh tập trung ở rất nhiều nơi trên bàn làm việc, từ bề mặt, ngăn kéo đến các vật dụng trên bàn như máy tính, bàn phím, điện thoại, bút và nhiều vật dụng khác. Các mầm bệnh này không chỉ là vi khuẩn mà còn có cả virus, nấm và một số vi sinh vật khác.
Nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) phát hiện lượng vi khuẩn và các vi sinh vật khác trên bàn làm việc không được vệ sinh thường xuyên có thể nhiều gấp 400 lần so với bệ toilet ở các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nhiều nhân viên văn phòng sẽ đối diện nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện vi khuẩn trên bàn làm việc của nam giới nhiều hơn 3-4 lần so với phụ nữ. Trong đó, có 98% là vi khuẩn gram âm và 2% là trực khuẩn. Điều này có thể là do bàn làm việc của nam giới lớn hơn và thói quen vệ sinh, dọn dẹp của nam giới kém hơn phụ nữ.
Các nguồn lây nhiễm vi khuẩn chính trên bàn làm việc là từ các vật dụng. Những vật dụng như điện thoại, bút có thể lây nhiễm vi khuẩn khi chúng ta vào nhà vệ sinh, bệnh viện hay siêu thị.
Nghiên cứu cũng cho thấy hơn 2/3 nhân viên văn phòng có nguy cơ mắc bệnh do bàn làm việc bẩn. Các triệu chứng thường gặp nhất là đau đầu, nghẹt mũi, dị ứng, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm họng và một số vấn đề sức khỏe khác.
Không vệ sinh bàn làm việc thường xuyên sẽ kích thích vi khuẩn phát triển, đặc biệt là vi khuẩn Helicobacter pylori, Staphylococcus aureus, E-coli và Pseudomonas aeruginosa.
Để kiểm soát mầm bệnh trên bàn làm việc, mọi người cần rửa tay thường xuyên và khử trùng bàn phím máy tính bằng cồn y tế. Ngoài ra, các vật dụng khác như điện thoại, bút, máy tính cầm tay và những vật dụng khác cũng cần được vệ sinh bằng cồn sát khuẩn.
Việc ăn uống trên bàn làm việc cần được hạn chế vì thói quen này có thể khiến vi khuẩn dễ tích tụ và lây lan. Các ly giấy hay tô, dĩa dùng một lần cũng cần được bỏ ngay sau khi sử dụng, đặc biệt là tránh để qua đêm