1. Tự chăm sóc vệ sinh răng
Chải răng lại, dùng chỉ nha khoa để lấy các mảnh vụn thức ăn. Súc miệng lại bằng nước ấm hoặc nước súc miệng hằng ngày.
2. Dùng các loại thuốc giảm đau
Một số thuốc giảm đau đường uống không cần kê đơn như: acetaminophen (Panadol, Efferalgan, Tylenol); Ibuprofen (Advil) là cách giảm đau nhanh và hiệu quả để làm giảm đau răng nhẹ và vừa. Lưu ý liều dùng, cách sử dụng cũng như các tác dụng phụ được thông báo trên bao bì.
3. Sử dụng một số loại gel hoặc thuốc tê bôi
Một số loại gel hoặc thuốc tê bôi có chứa các thành phần như benzocain có thể làm tê liệt, mất cảm giác đau tạm thời. Tuy nhiên, nên thận trọng khi sử dụng các sản phẩm có chứa benzocaine. Sử dụng lượng tối thiểu để làm giảm đau. Benzocain có liên quan với một tình trạng hiếm gặp, nghiêm trọng có thể gây tử vong. Đó là Methemoglobinemia, làm giảm lượng oxy mà hồng cầu có thể mang theo.
4. Chườm lạnh
Chúng ta có thể sử dụng chườm lạnh để làm giảm các cơn đau răng, đặc biệt là đau răng do chấn thương. Khi chườm lạnh, các mạch máu co lại. Do đó vừa giảm cảm giác đau vừa giảm sưng và viêm. Bạn có thể dùng các túi chườm đựng đá viên áp lên vùng đau mỗi 20 phút 1 lần, có thể lặp lại trong vài giờ.
5. Ngủ kê gối cao
Một số trường hợp ban ngày có thể cảm giác đau răng nhẹ, nhưng về đêm cơn đau lại dữ dội hơn. Lý do điều này xảy ra là khi nằm xuống, áp lực máu dồn về vùng đầu làm tăng đau. Do đó , nếu kê thêm 1-2 cái gối sẽ giúp làm giảm áp lực, khiến bạn thấy dễ chịu, dễ ngủ hơn.
6. Súc miệng bằng nước muối ấm
Đối với nhiều người, nước muối là cách giảm đau hiệu quả đầu tiên nghĩ đến. Nước muối có chứa thành phần diệt khuẩn tự nhiên. Súc miệng đồng thời giúp rửa trôi các mảnh thức ăn nhồi nhét giữa răng. Súc miệng nước muối còn giúp giảm viêm, nhanh lành thương.
7. Lá ổi
Lá ổi có chứa các thành phần kháng viêm tốt cho sự lành thương. Chúng cũng chứa các chất kháng khuẩn hỗ trợ cho việc chăm sóc răng miệng. Để giảm đau, có thể nhai lá ổi hoặc nghiền nhỏ rồi đun sôi với nước dùng để súc miệng.
8. Cỏ lúa mì
Cỏ lúa mì có vô số đặc tính giúp lành thương và có thể giúp chữa lành từ bên trong. Nó có thể làm giảm tình trạng viêm trong miệng, ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Hàm lượng chất diệp lục cao giúp chống lại vi khuẩn. Sử dụng cỏ lúa mì bằng cách ép lấy nước súc miệng.
9. Húng tây
Húng tây cũng có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa mạnh, có thể giúp điều trị đau răng. Để sử dụng, hãy nhỏ một vài giọt tinh dầu húng tây và một vài giọt nước lên bông gòn. Sau khi pha loãng dầu với nước, áp vào vùng răng bị đau.
10. Tỏi
Từ hàng ngàn năm nay, tỏi được công nhận và sử dụng như một nguyên liệu trong điều trị. Đây là nguyên liệu thường xuyên có sẵn trong nhà và dễ kiếm. Thành phần chính của tỏi là Allicin, không chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn gây hại, nó còn hoạt động như một thành phần giảm đau. Bạn nên nghiền nhuyễn tỏi và áp lên vùng đau. Có thể thêm vào hỗn hợp chút muối.