Gần đây, trên các diễn đàn cộng đồng đi xe buýt, có khá nhiều người phàn nàn về tình trạng phải chịu đựng các loại mùi nồng nặc khi tham gia phương tiện công cộng.
Một chị nhân viên văn phòng hồn nhiên ăn xôi xéo mỡ hành. Một anh viên chức xức nước hoa đậm đặc. Một cậu trai trẻ “viêm cánh”. Một bác trung niên mặc chiếc áo vẫn còn lưu mùi chất tẩy rửa.
Bất cứ ai trong số họ cũng có thể khiến hàng chục hành khách còn lại trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ. Bởi xe buýt vốn là không gian kín, lại thường có mật độ cao, mùi dễ khuếch tán nhưng “om” lại rất lâu.
Có thể bạn chưa biết, mùi hương là một trong những yếu tố gây dị ứng, đặc biệt với những người mẫn cảm. Mùi rau cần, mùi sầu riêng, mùi thuốc lá, thuốc lào là những ví dụ tiêu biểu. Nó có thể thơm và đem lại cảm giác dễ chịu với người này, nhưng lại là ác mộng với người khác, khi gây kích ứng mũi, buồn nôn, nhức đầu.
Để tránh gây khó chịu cho người khác và không bị coi là bất lịch sự, bạn cần hết sức lưu ý nội quy, khuyến cáo khi xuất hiện ở những nơi công cộng, đặc biệt là xe buýt, tàu điện, máy bay, hoặc cơ quan, công sở.
Trên xe buýt có thể dán hoặc không dán quy định cấm ăn uống gây ảnh hưởng người xung quanh, nhưng yêu cầu giữ vệ sinh chung, giữ lịch sự trên xe là điều bắt buộc.
Ai cũng hiểu, việc ăn uống nhồm nhoàm, miệng nhai chóp chép bên tai người khác trên một chuyến xe mà hành khách đang “kề vai sát cánh” với nhau, là một điều rất không nên, ngay cả với đồ ăn không nặng mùi.
Trường hợp bạn là tín đồ của nước hoa, gel thơm, hãy vận dụng mùi hương đúng lúc đúng chỗ và có chừng. Hương thoang thoảng, phù hợp với phong thái sẽ giúp gây ấn tượng tự nhiên, sâu sắc hơn, so với việc xức hương quá đậm như muốn “tấn công” khứu giác người bên cạnh.
Nếu bạn đang có vấn đề về mùi cơ thể, hãy hết sức quan tâm, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong giao tế. Bạn nên thay đổi thói quen hút thuốc, vận động, ăn mặc, vệ sinh, chủ động đi khám và sử dụng sản phẩm khử mùi an toàn nhưng không tạo hương khiến mọi người xung quanh khó chịu.