1. Sau một bữa tiệc
Sau một bữa tiệc khuya, rượu, bia, thuốc lá cùng với thức ăn chính là những yếu tố khiến cho hơi thở của bạn có mùi hôi khó chịu vào ngày hôm sau. Rượu, bia và thuốc lá khiến cho miệng của bạn khô và tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hôi miệng phát triển gây ra hơi thở hôi.
2. Vi khuẩn ở lưỡi của bạn
Vi khuẩn trên lưỡi là nguyên nhân hàng đầu gây ra hơi thở hôi. Mảng bám trên bề mặt lưỡi chính là nguồn thức ăn dồi dào và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mùi sinh sôi, phát triển.
3. Chế độ ăn kiêng Low-Carb
Khi bạn cắt bỏ carbs (tinh bột) và tăng lượng protein trong chế độ ăn hàng ngày, cơ thể bạn bắt đầu đốt cháy chất béo để tạo ra năng lượng. Quá trình đó tạo ra các hợp chất gọi là ceton, gây ra mùi hôi miệng.
4. Cảm cúm
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản không chỉ khiến bạn cảm thấy khó thở mà dịch nhày sản sinh từ quá trình viêm này là món ăn mà vi khuẩn gây hôi miệng vô cùng ưa thích, điều này sẽ khiến cho vi khuẩn gây mùi hôi miệng sinh sôi, phát triển nhanh chóng.
5. Loét dạ dày
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Medical Microbiology cho biết, vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày cũng có thể gây ra hơi thở hôi. Tiêu diệt triệt để vi khuẩn này sẽ giúp loại bỏ mùi hôi miệng.
6. Tác dụng phụ của thuốc
Có hơn 400 loại thuốc theo toa và không kê toa, bao gồm thuốc chống trầm cảm và các thuốc dị ứng, có thể làm giảm bài tiết nước bọt, từ đó, gây khô miệng, khiến hơi thở của bạn có mùi hôi khó chịu.
7. Sỏi amidan
Sỏi amidan là những hạt nhỏ mắc ở amidan. Mỗi viên sỏi bao gồm dịch nhầy, thức ăn thừa và vi khuẩn. Kích thước sỏi thay đổi cùng với sự phát triển của vi khuẩn sản sinh ra khí lưu huỳnh gây hôi miệng.
8. Hoa quả sấy khô
Hoa quả sấy khô thường có hàm lượng đường rất cao, vi khuẩn gây mùi hôi miệng rất thích ăn loại thức ăn này. 1/4 cốc nho khô có 21 gam đường, còn với cùng một lượng mơ khô như vậy sẽ có 17 gram đường, điều đó giống như bạn ăn 4 – 5 muỗng đường tinh khiết. Thêm vào đó, trái cây sấy khô rất dính, vì vậy, chúng có thể bị mắc kẹt trên và giữa các hàm răng của bạn và đó chính là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho vi khuẩn gây mùi hôi miệng.
9. Trào ngược axit hoặc ợ nóng
Trào ngược axit hoặc ợ nóng là hai triệu chứng của GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản) – một rối loạn tiêu hóa phổ biến. Hơi thở hôi của bạn có thể xuất phát từ một số thức ăn không thể tiêu hóa hoặc khi trào ngược dạ dày thực quản, một phần dịch vị dạ dày đọng lại thành thực quản hoặc cổ họng khiến hơi thở có mùi khó chịu.
10. Nứt răng
Nứt răng hay bề mặt răng gồ ghề sẽ là những hốc chứa đựng các hạt thức ăn thừa và vi khuẩn gây hôi miệng.